Đau Thần Kinh Toạ



Đau thần kinh tọa là hiện tượng dây thần kinh tọa tổn thương do bị chèn ép bởi các nguyên nhân như khối u, thoát vị, gai xương... Bệnh đặc trưng với cơn đau lan tỏa từ dọc thắt lưng qua hông và xuống chi dưới. Hầu hết các trường hợp đau thần kinh tọa đều đáp ứng điều trị bằng các biện pháp nội khoa, chữa khỏi mà không cần phẫu thuật.
Tổng quan
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh nằm ở hông và có kích thước lớn nhất trong cơ thể. Được phân chia làm 2 nhánh, gồm 5 rễ thần kinh, nối từ thắt lưng đến mặt sau của hông, mông và xuống chân. Có nhiệm vụ truyền tín hiệu cảm giác từ thắt lưng đến các chi dưới.
Đau dây thần kinh tọa (tên tiếng Anh là Sciatica), còn được gọi hội chứng thắt lưng hông. Đây là kết quả của sự chèn ép các rễ dây thần kinh vùng thắt lưng dưới. Cơn đau thần kinh tọa bùng phát từ thắt lưng, lan tỏa xuống hông, mông và xuông chân. Kèm theo cứng khớp, tê bì, ngứa ran và yếu cơ.
Theo đánh giá lâm sàng, đau thần kinh tọa là bệnh lý tương đối nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, khả năng vận động, sinh hoạt và làm việc của bệnh nhân. Tuy nhiên, thống kê có đến 90% người mắc bệnh này được chữa khỏi hoàn toàn mà không phải phẫu thuật.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa là do sự chèn ép quá mức lên các rễ dây thần kinh, có thể xảy ra ở lỗ liên hợp, bên trong ống tủy, ngoài cột sống hoặc trong khung chậu, vùng mông... Các rễ dây thần kinh bị tác động nhiều nhất là L5-S1, L3-L4, L4-L5...

Sự chèn ép này xuất phát từ các vấn đề như:
- Thoát vị đĩa đệm đốt sống; thoái hóa cột sống;
- Hẹp ống sống thắt lưng; hẹp ống sống;
- Hở eo đốt sống; áp xe tủy sống;
- U xương cột sống; có khối u trong tủy sống;
- Hội chứng cơ tháp (Piriformis);
- Viêm khớp cùng chậu; nhiễm trùng hoặc chấn thương...
Yếu tố nguy cơ
Các đối tượng dưới đây có nguy cơ cao mắc bệnh đau thần kinh tọa: Người lớn tuổi (30 - 50 tuổi); thừa cân béo phì; lười vận động; ngồi hoặc đứng quá lâu một tư thế; phụ nữ mang thai; người có tiền sử mắc các bệnh lý xương khớp; người bị tiểu đường; sức đề kháng yếu kém;
Tham khảo: Tìm hiểu bệnh án đau thần kinh tọa theo y học cổ truyền
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Nhận biết cơn đau thần kinh tọa thông qua các triệu chứng sau:
- Đau nhức vùng thắt lưng dưới; đau dữ dội hoặc âm ỉ
- Đau chủ yếu ở hông, mông, dọc mặt sau đùi nối xuống dưới đầu gối, bắp chân;
- Kèm theo cảm giác tê bì, ngứa ran như kim châm;
- Rối loạn cảm giác, bất thường về phản xạ, yếu cơ;
Các triệu chứng này càng nặng hơn khi người bệnh ho, hắt hơi, cử động, lao động và giảm hơn khi được nghỉ ngơi. Các triệu chứng bệnh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.

Chẩn đoán
Đây là những triệu chứng lâm sàng giúp bác sĩ xác định có sự xuất hiện của chèn ép rễ dây thần kinh L4, L5 và S1 hay không. Ngoài ra kết hợp thêm:
- Thực hiện nghiệm pháp Valsalva hoặc cố tình ho mạnh gây đau nhức dữ dội. Trường hợp đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm L3-L4 gây ảnh hưởng đến phản xạ gân gối, L5-S1 ảnh hưởng phản xạ gân gót.
- Thực hiện bài test Lasegue bằng cách nâng chân từ từ lên cao một góc 60 độ hoặc ngồi gấp khớp háng 90 độ rồi nâng chân gối duỗi thẳng. Bài test này có độ nhạy cao với đau thần kinh tọa, giúp ích cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.
Ngoài đánh giá lâm sàng, chẩn đoán đau thần kinh tọa cũng được chỉ định chụp MRI hoặc đo điện cơ nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn > 6 tuần hoặc có thiếu sót về thần kinh. Các phương pháp này giúp xác định vị trí và mức độ tổn thương, liên quan đến một hay nhiều rễ dây thần kinh. Dựa vào kết quả này giúp xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết các trường hợp bị đau thần kinh tọa chỉ ở mức độ nhẹ, tiên lượng điều trị và phục hồi nhanh mà bằng những biện pháp đơn giản, không nhất thiết phải can thiệp y tế quá nhiều. Những người kèm theo thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống, cần can thiệp điều trị nội khoa, phẫu thuật và vật lý trị liệu để đạt kết quả tối ưu.
Ngược lại, đau thần kinh tọa kéo dài, không điều trị gây biến chứng tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn rất nguy hiểm. Ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và khả năng vận động, teo cơ, bại liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Điều trị
Tùy theo nguyên nhân, mức độ và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị đau thần kinh tọa phù hợp.

1. Điều trị nội khoa
Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa cấp, bệnh nhân được chỉ định:
- Nằm nghỉ tại giường từ 24 - 48 tiếng, nằm trong tư thế nghiêng, đầu giường nâng cao lên khoảng 30 độ.
- Dùng thuốc giảm đau:
- Thuốc giảm đau không Opioid như acetaminophen, NSAID... liên tục trong 6 tuần (liều lượng dựa theo chỉ định của bác sĩ);
- Thuốc giảm đau thần kinh dành cho những trường hợp đau thần kinh tọa xuất phát từ các nguyên nhân thần kinh. Điển hình là Gabapentin liều 100 - 300mg trước khi đi ngủ;
- Các loại thuốc khác giúp cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa liên quan như thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp, thuốc chống co giật...
- Tiêm Corticosteroid ngoài màng cứng để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa cấp tính nghiêm trọng, chống viêm.
- Áp dụng nhiệt trị liệu bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh hoặc các biện pháp vật lý trị liệu khác hỗ trợ giảm đau nhức.
2. Điều trị ngoại khoa
Bệnh nhân đau thần kinh tọa được chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp sau:
- Hội chứng đuôi ngựa;
- Thoát vị đĩa đệm mức độ nặng;
- Tổn thương hệ thần kinh tiến triển ngày càng nặng;
- Biến chứng mất kiểm soát bàng quang và ruột;
- Yếu cơ, liệt chi không thể tự hồi phục;
- Điều trị nội khoa không hiệu quả sau 6 tuần;
Hiện nay, phẫu thuật đau thần kinh tọa nhằm mục đích loại bỏ nguyên nhân gây chèn ép lên dây thần kinh tọa như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, có khối u... Phương pháp được áp dụng phổ biến là phẫu thuật cắt đĩa đệm truyền thống dành cho trường hợp bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm. Tùy từng trường hợp có thể áp dụng kỹ thuật cắt đĩa đệm Micro hoặc Chemonucleolysis tiêm nội đĩa đệm.
Gợi ý: Phục hồi chức năng đau thần kinh tọa – vật lý trị liệu
Phòng ngừa
Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị đau thần kinh tọa. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, hãy chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa từ sớm:

Tập thể dục thể thao hàng ngày, mỗi lần ít nhất 30 phút, tập vừa sức, chọn bộ môn phù hợp, tránh chấn thương.
Hoạt động đúng tư thế, giữ lưng thẳng, tránh gây cong vẹo cột sống, không ngồi xổm, hạn chế khuân vác vật nặng hay chạy xe máy ở nơi dằn xóc.
Đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để xương khớp khỏe mạnh.
Tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Nằm nệm cứng vừa phải, không quá mềm, nằm ngủ đúng tư thế.
Duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì, giảm áp lực cho cột sống.
Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho cột sống phục hồi, phòng ngừa đau thần kinh tọa.
Tăng cường bổ sung các dưỡng chất có khả năng nuôi dưỡng, tái tạo, phục hồi các tế bào sụn, xương khớp.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
Tổng hợp những câu hỏi bạn cần đặt cho bác sĩ để nắm rõ về bệnh đau thần kinh tọa:
1. Tôi mắc bệnh gì?
2. Có nghiêm trọng không? Nó ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và công việc của tôi?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị đau thần kinh tọa là gì?
4. Những triệu chứng tôi đang mắc phải chỉ xuất phát từ 1 hay nhiều bệnh?
5. Tôi có cần làm xét nghiệm chẩn đoán nào hay không?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng bệnh của tôi là gì?
7. Việc điều trị mất bao lâu?
8. Điều trị bệnh có tốn kém không? Chi phí bao nhiêu?
9. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị?
10. Tôi có cần tái khám không? Lịch khám khi nào?
Đau thần kinh tọa gây không ít phiền toái về sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ cần điều trị kịp thời, bệnh sẽ không phải là cản trở quá lớn đối với sự vận động. Vì vậy, tốt nhất nên chủ động thăm khám chuyên khoa ngay để được tư chẩn đoán và chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Các loại thuốc trị đau dây thần kinh tọa, giảm đau tốt
- Bệnh đau thần kinh tọa có tự hết không?